NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ LIỆU PHÁP NHẬN THỨC – HÀNH VI

20 July, 2022

tamlythuchanh.com

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ LIỆU PHÁP NHẬN THỨC - HÀNH VI


I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG:

1. Khái niệm về Liệu pháp nhận thức – hành vi:

Tương tự với nội dung của Liệu pháp nhận thức – hành vi, có tác giả (Kazdin) đã đưa ra thuật ngữ “Biến đổi nhận thức – hành vi” với định nghĩa như sau:


“Biến đổi nhận thức – hành vi bao gồm các trị liệu cố gắng làm thay đổi hành vi đang biểu hiện công khai của bệnh nhân bằng việc thay đổi những suy nghĩ, những giải thích, những giả định và những chiến lược đáp ứng của họ”.


Liệu pháp nhận thức – hành vi và Biến đổi nhận thức – hành vi gần như giống nhau trong những giả định cơ bản và rất giống nhau trong những phương pháp điều trị. Có một chút khác nhau giữa chúng là ở kết quả điều trị:

  • - “Biến đổi nhận thức – hành vi”: mục tiêu thay đổi hành vi công khai đạt được là kết quả và kết thúc điều trị.

  • “Liệu pháp nhận thức – hành vi”: tập trung vào tác dụng điều trị qua thực chất của sự nhận thức của bệnh nhân. Khi có nhận thức tốt chắc chắn rằng sẽ dẫn đến thay đổi hành vi.


Có thể nói, khái niệm Liệu pháp nhận thức – hành vi rộng hơn và bao hàm cả Biến đổi nhận thức – hành vi. Các Liệu pháp nhận thức – hành vi chứa đựng ba điều cốt lõi sau:

(1) “Hoạt động nhận thức ảnh hưởng đến hành vi”.

Lý luận này là cơ sở cho một mô hình mang tính “dàn xếp, hóa giải” cơ bản. Sự đánh giá của một người về các sự kiện có thể ảnh hưởng tới sự đáp ứng của người đó với những sự kiện đó. Vì vậy, sự thay đổi nội dung đánh giá này có ý nghĩa lớn trong lâm sàng. Muốn thay đổi đáp ứng hành vi (bất thường, không mong muốn) của người bệnh, ta có thể tác động bằng cách thay đổi sự đánh giá của người bệnh về sự kiện đang tác động đến họ.


(2) “Hoạt động nhận thức có thể được giám sát và có thể thay đổi”. Ý nghĩa tiềm ẩn trong tuyên bố này là như sau:

Thứ nhất, "chúng ta có thể tiếp cận hoạt động nhận thức”. Điều này muốn nói rằng, chúng ta có thể tự biết và định giá được sự nhận thức của chúng ta. Tuy nhiên, tiếp cận hoạt động  nhận thức thường là công việc không hoàn hảo. Con người thường trình bày các hoạt động nhận thức trên cơ sở “có khả năng xảy ra” sự kiện chứ không phải trên cơ sở “thực tế” sự kiện xảy ra với họ. Dù sao, chiến lược đánh giá nhận thức là thực tế có giá trị.


Thứ hai, “sự đánh giá hoạt động nhận thức là việc mở đầu cho sự thay đổi hoạt động nhận thức”. Hầu hết những chiến lược đánh giá nhận thức nhấn mạnh vào nội dung của nhận thức và kết quả của nhận thức hơn là vào tiến trình nhận thức. Mặt khác, việc kiểm tra tiến trình nhận thức cũng như sự phụ thuộc lẫn nhau trong hệ thống nhận thức, hành vi và cảm xúc giúp chúng ta hiểu biết hơn về sự thay đổi nhận thức trong trị liệu.


(3) “Thông qua thay đổi nhận thức có thể tác động đến sự thay đổi hành vi theo mong muốn”.

Điều cốt lõi thứ ba này là kết quả trực tiếp của sự chấp nhận mô hình “dàn xếp”. Như vậy, trong khi các nhà lý luận liệu pháp nhận thức – hành vi chấp nhận rằng những sự kiện xảy ra ngẫu nhiên được củng cố công khai có thể làm thay đổi hành vi thì họ nhấn mạnh một cách chắc chắn rằng có những phương pháp khác làm thay đổi hành vi, đặc biệt đó là sự thay đổi nhận thức.


2. Sự cấu thành của liệu pháp nhận thức – hành vi:

Những tiếp cận nhận thức – hành vi cho rằng những tiến trình xảy ra bên trong gọi là “suy nghĩ” hoặc “nhận thức”, và các sự kiện nhận thức có thể dàn xếp sự thay đổi hành vi. Theo giả thuyết dàn xếp của nhận thức, nhận thức không chỉ là khả năng có thể thay đổi hành vi mà là nó phải làm thay đổi hành vi, do đó những thay đổi hành vi có thể được sử dụng như một bản liệt kê một cách gián tiếp về những thay đổi nhận thức.


Có ba loại liệu pháp nhận thức – hành vi chủ yếu, mỗi loại khác nhau một chút ít về những mục tiêu thay đổi. Ba loại liệu pháp đó bao gồm:


(1) Các phương pháp cơ cấu lại nhận thức (Tái cấu trúc nhận thức): Trong những kỹ thuật tái cấu trúc nhận thức, người ta mong sẽ có hiệu quả tốt trong việc giải quyết các rối loạn sinh ra từ bên trong bản thân bệnh nhân. Thí dụ, các liệu pháp thuộc nhóm này cho rằng sự đau buồn cảm xúc là kết quả của những ý nghĩ không thích nghi. Do vậy, mục tiêu của can thiệp lâm sàng này là thiết lập các mô hình suy nghĩ thích nghi hơn.


(2) Những liệu pháp kỹ năng chống đỡ: Những liệu pháp này tập trung vào sự phát triển các vốn liếng kỹ năng được thiết kế để trợ giúp cho thân chủ trong việc chống đỡ với các tình huống stress đa dạng. Ví dụ, giúp cho một người có thể phản ứng mạnh mẽ chống lại sự kiện bên ngoài; giúp người bệnh có thể nhận biết các cách thức nhận thức và hành vi của mình và biết thay đổi các cách thức nhận thức hành vi đó.


(3) Những liệu pháp giải quyết vấn đề: Những liệu pháp này là đặc trưng cho một sự kết hợp của các kỹ thuật tái cấu trúc nhận thức và các quá trình rèn luyện các kỹ năng chống đỡ. Các Liệu pháp giải quyết vấn đề nhấn mạnh vào việc hình thành và phát triển các chiến lược chung cho giải quyết hàng loạt rộng lớn các vấn đề cá nhân : Đó là biết thay đổi các cách thức có hại, các cách thức đó có thể làm tăng cường ảnh hưởng của các sự kiện âm tính ( thí dụ như có những ý nghĩ và hình dung khơi gợi lo âu), đồng thời biết sử dụng các chiến lược để làm giảm tác động xấu của các sự kiện âm tính. Nó cũng nhấn mạnh vào tầm quan trọng của sự hợp tác tích cực giữa thân chủ và nhà trị liệu trong việc đặt kế hoạch cho chương trình điều trị.


Mặc dù Liệu pháp nhận thức – hành vi nhằm vào cả hai lĩnh vực nhận thức và hành vi làm mục tiêu thay đổi ban đầu, nhưng có một số kiểu thay đổi lại không phải là liệu pháp nhận thức – hành vi. Thí dụ, nhà trị liệu dùng nguyên lý điều kiện kinh điển để điều trị hành vi tự hủy hoại trong trẻ tự kỷ thì không phải là liệu pháp nhận thức – hành vi. Thực ra, đó chính là Liệu pháp hành vi. Và thực tế, bất kỳ chế độ điều trị nào chấp nhận mô hình kích thích – đáp ứng đều không phải là Liệu pháp nhận thức – hành vi.


Chỉ khi nào chứng minh được có sự dàn xếp, hóa giải của nhận thức, và chỉ khi nào mà sự dàn xếp của nhận thức là một thành phần quan trọng của kế hoạch trị liệu thì mới được gọi là Liệu pháp nhận thức – hành vi. Như vậy, Liệu pháp hành vi thật nghiêm ngặt hoặc Liệu pháp nhận thức thật nghiêm ngặt đều  không phải là Liệu pháp nhận thức – hành vi.


3. Những Liệu pháp nhận thức – hành vi hiện hành:

Các liệu pháp nhận thức – hành vi là một sự lai ghép về các chiến lược hành vi và tiến trình nhận thức với mục tiêu là thành công trong sự thay đổi nhận thức và hành vi. Do vậy, Liệu pháp nhận thức – hành vi thể hiện một sự đa dạng của những nguyên lý và những quy trình trị liệu.


Sự đa dạng hóa trong phát triển và thực hành các tiếp cân nhận thức – hành vi, một phần có thể được giải thích là do những định hướng lý thuyết khác nhau của những người sáng lập ra các chiến lược can thiệp dựa trên phối cảnh nhận thức – hành vi này. Ví dụ:


Ellis và Beck là những người sáng lập ra Liệu pháp hành vi cảm xúc thuần lý và Liệu pháp nhận thức nhưng thực ra các vị đã đến từ nền tảng của Phân tích tâm lý của Freud.


Goldfried, Meichenbaum và Mahoney được đào tạo nguyên gốc từ những nguyên lý của Biến đổi hành vi.


Những Liệu pháp nhận thức – hành vi hiện hành phát triển theo thời gian bao gồm:

  • - Liệu pháp Hành vi Cảm xúc Thuần lý (Rational Emotive Behavior Therapy).

  • - Liệu pháp Nhận thức (Cognitive Therapy).

  • - Rèn luyện Tự hướng dẫn (Self-Instructional Training).

  • - Tái cấu trúc Thuần lý có Hệ thống (Systematic Rational Restructuring).

  • - Rèn luyện Quản lý Lo âu (Anxiety Management Training).

  • - Rèn luyện Phòng Stress (Stress Inoculation Training).

  • - Liệu pháp Giải quyết Vấn đề (Problem – Solving Therapy).

  • - Liệu pháp Tự kiểm soát (Self-Control Therapy).

  • - Liệu pháp tâm lý Cấu trúc và theo xu hướng Tạo dựng (Structural and Constructivist Psychotherapy).


Trong những Liệu pháp nhận thức – hành vi nêu trên, cần nghiên cứu những lý luận cơ bản của hai liệu pháp được ứng dụng nhiều là Liệu pháp hành vi cảm xúc thuần lý và Liệu pháp nhận thức.


PGS.TS.BS Nguyễn Văn Thọ